Tuesday, September 2, 2014

Tiểu thuyết THỀM HOANG - KỲ 3

Chương 2

Ở đường cái rẽ vào là tới ngay đầu xóm Cỏ. Có những mái lá nứt rạn chìa ra lối hẹp. Vào những ngày mưa, lòng xóm hoá ra lòng cống, khi nước rút đi thì ngập bùn và rác rưởi. Mùi tanh nồng theo gió thoang thoảng bay đi. Mỗi lần đêm về, lối ngõ tối hun hút như một cái miệng có chiều sâu. Một vài ngọn đèn dầu đỏ đòng đọc lùa ánh sáng qua kẽ vách không soi hết những mô đá khấp khểnh nhô lên giữa mỗi vũng bùn đen quánh. Ở đấy về đêm có từng bóng áo trắng thấp thoáng sau mấy cái thùng xe đậu rải rác. Khách tìm hoa chụm đầu vào nhau thì thào. Que diêm bật lên rồi tắt ngóm. Ánh sáng teo lại theo tàn than rồi bóng tối lại tiếp tục bưng lấy tội lỗi một cách hối hả, vội vàng.
Dạo ấy, dân xóm Cỏ làm đủ mọi nghề của một tầng lớp thấp kém. Đạp xích lô kiêm nghề ma cạo, bán hàng rong không hẳn là nghề chính thức, thợ mộc, thợ hồ, hót rác, hát dạo và cả ăn mày nữa, tất cả quây quần trong những túp lều tồi tàn, ẩm thấp. Cuộc sống dữ dội và ồn ào bắt đầu ngay từ lúc mây hồng mới rạng ở trên nền trời và kéo dài cho tới quá nửa khuya. Vào buổi tinh mơ, đã có những bóng người lố nhố chụm đầu quanh ngọn đèn đất vàng vọt ở cái quán nghèo đầu ngõ. Họ trao cho nhau những ca nước nóng hổi, những đĩa xôi, bát cháo còn nghi ngút khói. Chiếc điếu cầy rít lên sòng sọc, cháy đỏ ở trong từng góc tối.
Đến lúc trời sáng hẳn thì trong ngõ là thế giới của lũ trẻ con. Hàng dăm chục đứa lốc nhốc, bẩn thỉu chen chân nhau ở bên lề cống. Dưới tia nắng đầu tiên của một ngày mùa hạ, chúng cãi nhau om sòm trong từng đám đánh bi, đánh đáo, đánh bài cào ăn thua nhau từng cắc. Đứa bé hơn thì bò ở trên mặt đất. Mắt chúng nó kèm nhèm dử xanh. Từng đàn ruồi bay vo vo ở trên những cọng rác, thỉnh thoảng táp lại, bám lấy hai vành mi rồi bò xuống má, xuống cổ, hoặc đôi khi rúc mãi vào những cái mụn lở loét có mùi tanh đến lợm giọng.
Buổi chiều lúc gió mát thổi ở trên mái lá thì cuộc sống còn ồn ào hơn. Người lớn trở về chửi nhau ở hai đầu ngõ. Họ tranh nhau từng thùng nước ở ngoài miệng giếng nhỏ. Họ đòi nhau những đồng bạc cho vay từ tuần lễ trước. Chai dầu đong đầy, đong vơi, bó củi bán năm hào bắt tháo ra đổi lại từng nhánh cũng là đầu đề cho cuộc cãi lộn om sòm, liên miên hầu như không dứt.
Huệ vào nghề từ mấy năm trước khi về xóm Cỏ. Hồi còn hương sắc, nàng đi khách với giá hằng trăm. Như thế buổi sáng có cháo gà, có phở, có xôi lạp sường. Thỉnh thoảng có phim nói tiếng Việt, Huệ lại đi xem. Cuộc sống đối với Huệ cứ càng ngày càng tươi đẹp thêm, khác hẳn với những ý nghĩ đen tối hãi hùng của buổi đầu tiên Huệ bị đẩy vào phòng riêng với một người đàn ông xa lạ. Ngày ấy, Huệ cho rằng cuộc đời mà phải dẫn đến những chỗ ấy thì là tàn đời và không còn gì nhục nhã và xấu hổ hơn.
Nhưng cái nghề nhàn hạ của Huệ lại tàn phá thân thể nàng một cách thảm hại. Đầu tiên da Huệ ngả màu xanh lướt. Cặp mắt bạc đi, lòng đen trở thành nhờ nhờ đục. Rồi từng mấu xương cứ nhô ra, khuôn mặt hốc hác thêm, và những đêm trời trở lạnh, nàng bắt đầu húng hắng ho gióng một. Rồi đến cái lần Huệ nghe con bạn cố tình làm sẩy cái thai đã mấy tháng thì Huệ nhược hẳn người ra như chẳng còn mấy hơi sức. Tóc Huệ sáng nào chải cũng rụng ra hằng nắm. Đờm nhổ ra đã thấy vẩn lên từng tia máu. Chính những sợi máu ấy đã khiến Huệ tự tử hụt một lần. Đối với nàng, như vậy là nàng đã mắc phải một tai hoạ lớn lao, còn lớn lao hơn cả cái tai hoạ đang từ một cô gái ngây thơ bị vướng chân mà sa vào vòng tội lỗi. Sau đó mấy lần liền, không có khách nào nhận "đi" với Huệ. Thím Phềnh thẳng tay đuổi Huệ ra khỏi nhà. Bạn Huệ thu xếp cho nàng về xóm Cỏ.
Huệ thuê nhà của một bà cụ bán cháo, xôi. Căn nhà chật hẹp và ẩm mốc, chỉ vẻn vẹn có hai người. Hằng ngày họ ra vào im lặng như những cái bóng. Cụ Chín là một bà già kì cục. Cuộc sống của cụ âm thầm và cô độc đến độ khó hiểu. Ban ngày cụ quẩy hàng lên chợ. Đến tối trở về thì cụ rúc vào cái buồng xép chỉ vừa vặn kê một cái ghế bố, không đồ đạc, hòm xiểng, không nồi niêu, ấm chén, cũng không có cả ánh sáng của một ngọn đèn nhỏ. Bà cụ ăn uống ở trong bóng tối âm thầm đầy muỗi và hơi ẩm. Những bữa cơm của bà, Huệ chỉ nghe thấy tiếng nhai chóp chép, nhỏ nhẹ, uể oải và nặng nhọc. Rồi một lát sau thì Huệ nghe thấy tiếng ngáy. Lúc ấy là lúc bà cụ đã trùm kín mít cái mền rách, hôi hám sặc sụa lên đầu và ngủ một giấc đến sáng. Ít khi Huệ nghe thấy bà ta nói một câu. Ở trong nhà, hai người ít nhìn nhau. Nhiều khi Huệ muốn biết bà ta nghĩ gì về mình, nhưng trong cái nhìn lạnh lẽo, thờ ơ ấy, Huệ không thể nào đọc ra được một ý tưởng nào. Duy chỉ có một điều chắc nhất là bà cụ biết Huệ tiếp khách ở trong nhà.
Phòng ngoài, Huệ kê một cái đi văng ở sát vách, có màn quây kín chung quanh. Cạnh đấy là một cái bàn gỗ đầy bụi bẩn. Mặt bàn rất bừa bãi, chiếc gương vỡ đặt chếch lên ngọn đèn dầu, vài hộp phấn và lọ nước hoa rẻ tiền xếp ở trên mấy tập bài hát in chỉ có lời mà không có nhạc. Huệ cũng đọc cả tiểu thuyết nữa. Cuốn truyện Huệ mua "xon" từ mấy tháng trước mà hầu như không bao giờ nàng đọc hết cả. Nàng lẩm bẩm từng trang, từng chữ. Chỗ nào hiểu được thì cười một mình, rồi đọc lại, đọc lại nữa vì có thể ngày mai Huệ đã quên mất mấy đoạn ấy rồi. Lúc nào không đọc truyện thì Huệ nằm lơ mơ trên đi văng nghe tiếng chuột chạy sột soạt trên mái lá, tiếng trẻ con lao xao ở đầu hồi, hoặc đôi khi có tiếng đàn của bác Tốn gẩy vu vơ ở ngách ngoài. Những lúc nhàn rỗi, bác Tốn hay hát một mình. Cải cách có, vọng cổ có, chán rồi xoay ra hát bậy:
"Cô Huệ ơi...
Nếu cô lấy tôi thì tôi xây nhà gạch hai tầng.
Tôi mua ô tô cho cô ngự, mua váy đầm cho cô thay..."
Mới đầu Huệ còn bật dậy, chửi đổng qua vách hàng xóm:
"Khỉ gió đùng lăn! Thừa cơm rửng mỡ chửa! Ai thèm mặc cái thứ váy đầm. Mà đồng xu chẳng có, còn bầy đặt xây nhà hai tầng!"
Nhưng mãi rồi Huệ cũng quen đi, vì bác Tốn lúc nào buồn mồm thì hát chơi, ngay cả khi bác không nghe tiếng Huệ léo xéo ở bên tai. Về phần bác thì bác hình dung ra cô Huệ qua lời diễn tả của thằng Ích.
"Cô Huệ béo hay gầy?"
Nó đáp:
"Cũng nhùng nhằng!"
"Đen hay trắng?"
"Trắng bốp!"
"Ui cha! Thế tóc phi dê hả?"
"Phi dê!"
"Xoăn không?"
"Xoăn tít! Phi dê mà lại không xoăn!"
"Áo gì?"
"Áo cánh.”
"Mầu gì?"
"Mầu đỏ!"
"Quần gì?"
"Quần lụa trắng!"
"Ái chà sang nhỉ! Môi son má phấn chứ?"
"Đứt đuôi đi rồi!"
"Thơm không?"
"Bác nói như bố chó xồm ấy! Phấn mà lại không thơm!"
Bác Tốn cười hì hì:
"Ừ nhỉ! Phấn mà lại không thơm!"
Rồi bác ngửa cổ ra đằng trước, mũi bác hếch lên, hít khìn khịt, hai hàm răng ngà ngà của bác nhăn ra nửa chừng, nom trắng như răng ngựa. Bác có vẻ khoái chí. Trong trí tưởng tượng của bác, Huệ là một người đẹp. Từ đấy mỗi lần hứng chí lên, bác lại hát:
"Cô Huệ ơi... nếu cô lấy tôi thì tôi xây nhà gạch hai tầng..."
Tiếng đàn bật lên ở mấy đầu ngón tay xen lẫn tiếng cười khúc khích của bà con hàng xóm. Nhưng ai cũng cho là bác đùa vậy thôi, vì chưa một ai nom thấy Huệ ở nhà bác Tốn đi ra. Ngay cả đến hai người đứng lại trò chuyện với nhau cũng chẳng còn có nữa là.
Về phần Huệ thì bực mình mãi rồi cũng thành quen cũng như nàng cũng đã quen mồm gọi bác Tốn là thằng khỉ gió!
"Thằng khỉ gió ngứa mồm chửa! Bộ cái mã ấy mà xây được nhà gạch hai tầng thì chó nó đã có váy lĩnh.”
Đôi khi bác Tốn đi qua cửa, Huệ mượn lời mắng mấy đứa trẻ như để nói với bác, giọng nàng chanh chua rít lên đành đạch:
"Khỉ gió đùng lăn chửa, giẫm chết chân người ta rồi đây này.”
Rồi nàng cười như nắc nẻ. Bác Tốn cũng che mồm quay đi tủm tỉm một mình. Lòng bác khoan khoái như vừa hớp xong một ly rượu lớn. Hình ảnh của Huệ chập chờn sáng lên ở trong khoang tối tăm mù loà của bác. Nhiều khi bác muốn quay lại góp với Huệ một câu. Nhưng chỉ cứ nghĩ như thế là chân tay, mồm miệng của bác đã ríu lại cả với nhau rồi. Bác vẫn tự nhủ với mình:
"Nói gì! Nói cái quái gì! Xấu hổ bỏ bố đi..."
Đấy là kể những lúc bác nghe tiếng Huệ léo xéo ở bên tai. Còn khi vắng nàng, bác lại chẳng nhút nhát tí nào. Bác đã nghĩ ra rất nhiều câu hát bậy và đánh đàn hát cho hàng xóm nghe. Tất nhiên ai mà chẳng khoái chí, ai mà chẳng rúc lên cười. Tiếng cười của họ khiến bác nghĩ rằng mình không cô độc. Chung quanh bác có nhiều người thân yêu. Huệ cùng cảnh với bác, nghèo như bác, và tất cả đều lam lũ, khốn khổ như nhau. Khi vui thì giọng bác ngân được rất dài và rất cao:
"Cô Huệ ơi...
Tôi theo cô đến tận góc bể chân trời
Sông sâu tôi cũng lặn, núi đồi tôi cũng leo
Sang Tây, sang Nhật, sang Lèo
Sang Tàu, sang Mỹ... tôi theo cô đến cùng...
Ới cô Huệ ơi..."
Câu hát như thế mỗi lần Huệ nghe thấy nàng lại dẫy lên:
"Rõ thừa cơm rửng mỡ chửa! Sang Lèo để mà ăn cái khỉ gió đùng lăn gì kia chứ..."
Cũng có những lúc giọng hát của bác tự nhiên buồn não nuột, nhất là về đêm khuya thanh vắng. Mọi người nghe như cảm lây với cái buồn của bác. Huệ nói với hàng xóm:
"Thằng khỉ gió nhớ con nào mà thảm chửa.”
Rồi nàng cũng lắng tai nghe tiếng hát của bác vẳng lên trong ngõ tối:
"Tôi chờ cô tối qua.
Suốt canh chầy chẳng thấy cô ra..."
Chắc lúc ấy bác Tốn đang ôm đàn ngồi ở bực cửa. Bóng tối vây quanh như nỗi cô độc của bác trong sự mù loà. Mặt bác hướng ra khung cửa. Mùi tanh nồng của nước mương đầy rác rưởi theo gió bay vào gây cho bác cảm giác nhẹ nhàng yên tĩnh. Tiếng đàn bật lên ở trên tay. Âm thanh quen thuộc rung trên phím gỗ và lắng sâu vào hồn bác. Những lúc ấy bác muốn lấy Huệ làm vợ. Bác nhớ đến mùi phấn thoang thoảng của Huệ lúc nàng đi qua hàng rào. Nếu những buổi tối có Huệ, sau bữa cơm, hai người sẽ ra ngồi ở đầu hè. Bóng tối êm ả vây quanh. Bác sẽ cầm lấy tay Huệ mà không nói. Không nói tức là nói thật nhiều. Rồi hai người sẽ hôn nhau. Mùi phấn thơm là của riêng bác, gió mát và bóng tối là của riêng hai người. Bác thấy lòng rạo rực với niềm yêu dâng lên. Mắt bác nhắm nghiền. Bác thấy hình ảnh của Huệ, mặc áo đỏ, đánh môi hồng đang cười với bác. Bác chợt mỉm cười và thấy mình sung sướng, hạnh phúc.
Tuy vậy ý định lấy Huệ chỉ đến với bác vào những buổi tối ngồi một mình trên bực cửa. Đến sáng ra, nằm trên nệm cỏ, nghe thấy tiếng thùng tôn va chạm loảng xoảng ngoài giếng nước, tiếng trẻ con khóc lên ngằn ngặt ở đầu hồi và tiếng xe, tiếng người chửi nhau loạn xạ thì bác quên hẳn ý nghĩ ngày hôm trước. Bác thấy buồn vì cuộc sống ồn ào, gay gắt chẳng như trong mộng tưởng. Huệ có cuộc sống riêng của nàng, tự do, nhàn hạ và đầy vẻ chanh chua, kiêu kì. Mỗi lần có tiếng Huệ léo xéo ở ngoài ngõ, bác nghe tiếng họ trao đổi với nhau mấy câu nói quen thuộc:
"Mệt không cô Huệ ơi!"
"Mệt cái phải gió! Ít tiền mà cứ đòi của đẹp.”
Tiếng nói của Huệ gieo vào lòng bác những cung bậc trầm buồn khiến cho bác thấy lòng mình thắt lại. Bác nghĩ rằng nếu mình chỉ ngửi thấy mùi phấn thơm của Huệ mà không phải nghe thấy những câu nói ấy của Huệ nói chắc sự sung sướng của bác sẽ trọn vẹn hơn nhiều. Ý nghĩ ấy làm bác có thể khóc được, và bác lại sờ soạng tìm cây đàn, vừa gẩy vừa hát nhè nhẹ:
"Tôi với cô... không duyên, không nợ
Tôi với cô... không vợ, không chồng..."
Thường thường buổi sáng nào bác Tốn cũng tiêu phí thì giờ vào nỗi buồn vu vơ như thế, đến gần trưa thì có con gái bác Nhan gọi sang ăn cơm. Bác Tốn ăn trọ ở nhà bên ấy. Bác Nhan gái làm đủ nghề lam lũ: cu li, thợ hồ, mua bán đồng nát và gánh nước thuê. Tuy quần quật suốt ngày mà bác cũng chỉ kiếm đủ tiền nuôi bốn miệng ăn. Bác Nhan giai ốm yếu lúc nào cũng chỉ nằm như một cái xác ve trên phản. Hai đứa con gái thì một đứa còn phải ẵm. Con chị là cái Hòn cũng mới lên tám, so với cái Ngoan thì Hòn xấu xí và đen đủi hơn nhiều. Sự thiếu thốn, đói khổ làm người nó quắt lại, tay chân khẳng khiu như que củi. Cả ngày hai chị em nó bế nhau thơ thẩn ở ngoài ngõ, nhất là ở quán nước cụ Tư. Chúng nó hay nhặt những cái lá gói còn dính bánh chưng, những khúc mía xương xẩu hoặc mấy cái đuôi bánh mì thừa vứt đi, đem vét voi nhấm nháp gọi là cho biết mùi của lạ. Tuy vậy thỉnh thoảng chúng nó cũng được bác Tốn mua hẳn cho một đồng kẹo tây. Mấy cái kẹo xanh đỏ, tuy ít ỏi nhưng hai chị em nhè đi, nhè lại cho nhau cũng ăn được suốt cả một ngày. Bác Tốn biết nhà chúng nó nghèo nên hay chia ngọt sẻ bùi với mọi người. Nhiều lúc nhà hết gạo, thổi thiếu cơm bác vẫn cười dễ dãi và bỏ tiền ra mua cho hai chị em thêm tấm bánh. Thành ra đối với họ, bác là người rất phong lưu, rộng rãi.


                                        (còn tiếp)

No comments:

Post a Comment