Wednesday, July 27, 2011

Lễ tưởng niệm đồng bào, chiến sĩ hy sinh


BÀI PHÁT BIỂU CỦA GIÁO SƯ TƯƠNG LAI TRONG LỄ TƯỞNG NIỆM

 
Tương Lai


Bài phát biểu tại lễ tưởng niệm

Kính thưa các cụ, thưa quý vị,

Trong những ngày nặng trĩu suy tư này, hôm nay, 27 tháng 7 năm 2011, ngày thương binh liệt sĩ, ngày tổ quốc tri ân những người đã bỏ mình vì đất nước để có một Việt Nam ngàn năm văn hiến do ông cha để lại, non sông quy vào một mối, chúng ta có mặt tại đây để cùng đồng bào cả nước nghiêng mình trước anh linh những người đã bỏ mình vì sự toàn vẹn của đất nước.

 Trước tình hình nóng bỏng ở Biển Đông do những thế lực hiếu chiến trong giới cầm quyền Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm hải phận của ta, bắt giữ hãm hại ngư dân chúng ta, cắt cáp thăm dò dầu khí ngay trên vùng biển thuộc chủ quyền của ta, tiếp tục những tội ác của chúng đã gây ra tại Hoàng Sa năm 1974 khiến 74 người con yêu của đất nước đã hy sinh và năm 1988 lại 88 chiến sĩ dũng cảm nữa ngã xuống tại Trường Sa vì chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Và rồi , máu của Việt Nam vẫn đang chảy trên Biển Đông.

Quả thật chủ nghĩa bành trướng Đại Hán đã không cam chịu một nước Việt Nam thống nhất và hùng mạnh làm cản trở tham vọng nuốt trọn Biển Đông và tràn xuống Đông Nam Á như xưa kia cha ông chúng đã từng theo đuổi. Cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 do Đặng Tiểu Bình phát động, đánh một đòn hiểm khi những vết thương chiến tranh kéo dài hơn một phần tư thế kỷ trên đât nước ta chưa kịp hàn gắn, đời sống của nhân dân ta cực kỳ khó khăn, đã phơi trần dã tâm chưa lúc nào từ bỏ của chúng.

Vì vậy, hôm nay trong lễ tưởng niệm đồng bào chiến sĩ hi sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, phía Tây nam và ở Hoàng Sa, Trường Sa chúng ta thành kính nghiêng mình tưởng nhớ đến những người đã khuất, sẻ chia với những thương binh, bệnh binh và gia đình của những người đã nằm xuống trong chiến tranh những cam go họ đang phải chịu đựng.

Kinh Thánh có viết : Chúa đã ban cho tôi miệng lưỡi đã được huấn luyện, để tôi biết dùng lời nói nâng đỡ kẻ nhọc nhằn.” (Is. 50,4). Những điều chúng ta nói lên hôm nay để tưởng niệm những người đã ngã xuống, máu của họ đã thấm đẫm trên từng thước đất, thước biển của tổ quốc ta, là những lời nói gan ruột.

Đức Phật lại dạy : “Nước mắt nào cũng cùng một vị măn, máu của người nào cũng cùng một màu đỏ”. Chúng ta càng thấm thía rằng, máu nào đã tô thắm mảnh đất thiêng này cũng là máu Việt Nam.

Vì thế, chúng ta nhớ lại lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng và gộp cả những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi”, để khẳng định quyết tâm xóa bỏ mọi kỳ thị định kiến, góp tâm góp sức làm lành vết thương chứ không để cho cho cơ thể Tổ quốc tiếp tục rỉ máu. Giọt nước mắt Việt Nam nào cũng có vị mặn, giọt máu nào của cơ thể Việt Nam cũng màu đỏ.

Chúng ta càng ghi nhớ lời dạy của ông cha ta : “Gươm dơ lấy nước làm sạch. Nước dơ lấy máu làm sạch”. Máu của bao thế hệ Việt Nam đã tưới đẫm từng thước núi, tấc sông của Tổ quốc từ thưở Vua Hùng dựng nước cho đến tận hôm nay quyết không uổng. Vì thế, để xứng đáng với truyền thống quật cường dựng nước và giữ nước mà ông cha ta muôn đời truyền dạy, chúng ta quyết không một phút mơ hồ trước mưu toan xâm lược nhằm thực hiện mộng bành trướng của các thế lực hiếu chiến Trung Quốc.

Chúng ta cảm động khi thấy tên của những người anh hùng trong các trận quyết tử để bảo vệ Hoàng Sa của năm 1974 và Trường Sa của năm 1988 được những thanh niên yêu nước giương cao trong cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược ngay tại Hồ Hoàn Kiếm, trái tim của Thủ đô ngày 24.7.2011 vừa qua. Tấm gương hy sinh của thế hệ đi trước đang tiếp sức cho thế hệ hôm nay tỉnh táo và hiên ngang thực hiện sứ mệnh cao cả của mình, không đang tâm ngồi nhìn bọn cướp nước đang trăm mưu nghìn kế thực hiện chính sách thâm hiểm của chúng. Đó chính là cách thiết thực nhất, mạnh mẽ nhất trong vô vàn những cách thức khác nữa để tưởng niệm những người đã khuất

Vì thế, giọt nước mắt trong lễ tưởng niệm này cũng là  “…Giọt nước mắt thương dân. Dân mình phận long đongnhư người nhạc sĩ tài hoa nọ đã hát. Đây chính là “ dòng nước mắt trong tim. Chảy lai láng vào hồn…” của mỗi chúng ta. Tâm hồn của mỗi chúng ta đang hướng về Hoàng Sa, Trường Sa, trái tim của mỗi chúng ta đang đập theo nhịp sóng Biển Đông. Chúng ta mong đợi Quốc Hội đang họp sẽ có một Nghị quyết toàn diện và mạnh mẽ về Biển Đông, tiếp sức thêm cho hành động yệu nước của chúng ta.

Lễ tưởng niệm này chỉ là một dấu nhấn trong toàn cảnh hoạt động của mỗi người dân yêu nước. Chúng ta tin rằng anh linh của các liệt sĩ tại các trận chiến đấu trên biển năm 1974, 1988, cuộc chiến đấu trên bộ ở biên giới Tấy nam và Biên giới phía băc năm 1979, hồn thiêng sông núi muôn đời Việt Nam, chứng giám cho nhịp đập trái tim yêu nước của tất thảy những lương tâm Việt Nam, để họ biết cách hiến dâng những suy tư và hành động cao cả cho sự nghiệp thiêng liêng của đất nước.

Một lần nữa, xin kính cẩn nghiêng mình.

Nhân kỷ niệm 64 năm ngày thương binh liệt sĩ Việt Nam, một số nhân sĩ, trí thức phối hợp với Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn văn Bình đã tổ chức buổi tưởng niệm nói trên vào lúc 09h00’ sáng nay thứ Tư 27.07.2011 tại 43 Nguyễn Thông, quận 3, TP HCM.
Theo thông tin ban đầu từ Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc cho biết, đến dự buổi tưởng niệm gồm có: Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, ông Lê Hiếu Đằng, BS Huỳnh Tấn Mẫm, Nhà thơ Nguyễn Duy, Nhà thơ Đỗ Trung Quân, GS Tương Lai, cùng rất nhiều nhân sĩ, trí thức yêu nước, trong đó có GS-PTS Nguyễn Phương Tùng, là con gái của cố Ngoại trưởng Nguyễn Duy Trinh. Đặc biệt là sự có mặt của bà Quả phụ Ngụy Văn Thà.
Sau phần thắp nhang tưởng niệm là các phát biểu của Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, GS Tương Lai, BS Huỳnh Tấn Mẫm, ông Lê Hiếu Đằng, Nhà thơ Đỗ Trung Quân và sau đó, các khẩu hiệu chống bá quyền Bắc Kinh, đường “lưỡi bò” của Trung Quốc v.v.. đã xuất hiện đầy trong hội trường.

 
Ông Lê Hiếu Đằng
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu (bìa trái), GS Tương Lai (bìa phải)
Nhà thơ Đỗ Trung Quân
Nhà thơ Nguyễn Duy
Bà Quả phụ Ngụy Văn Thà
GS-PTS Nguyễn Phương Tùng
Những ngày này, trên các phương tiện thông tin đại chúng rầm rộ đưa tin về các hoạt động hướng tới kỉ niệm ngày Thương bình Liệt sĩ - 27/7. Sáng nay, tôi cùng đồng nghiệp đi viếng nghĩa trang liệt sĩ. Những vòng hoa, những nén nhang thơm, khói tỏa nghi ngút cả một vùng trời. Người ta tưởng niệm cho những người đã ngã xuống cho quê hương đất nước. 
Trên đường về, tôi chạnh lòng nghĩ đến những người lính bên kia trận tuyến, liệu có ngày nào để tưởng nhớ họ, liệu còn ai còn nhớ đến họ hay không?

Chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm nhưng những vết cắt của nó vẫn còn gây ra những thù hận cho đến ngày hôm nay. Ông tôi – một sĩ quan an ninh "ngụy" – vẫn thường bảo: “Chiến tranh là ý thức hệ. Cha con, anh em không cùng lí tưởng thì không ở cùng một chiến hào, thậm chí phải nổ súng (nếu cần). Chiến tranh là vậy cháu ạ!”

Con người ta sinh ra và lớn lên ai cũng có một lí tưởng để theo đuổi. Lí tưởng của anh khác của tôi, âu cũng là lẽ thường. Cũng chính vì vậy có người theo chủ nghĩa cộng sản người lại thờ phụng quốc gia cũng không có gì lạ. Nhưng hôm nay tôi không bàn đến tính đúng sai của cuộc chiến giữa hai miền Bắc –  Nam  mà người ta vẫn gọi là “nồi da xáo thịt”, chúng tôi muốn nói đến góc độ nhân văn của con người. Phần lớn người ta vẫn cho rằng: người lính VNCH chết đi thì đó là cái chết của kẻ bán nước còn người lính cộng sản ngả xuống đó là sự hy sinh thiêng liêng cho tổ quốc.

Tôi thì không nghĩ như vậy. Dẫu ở bên này hay bên kia trận tuyến, người lính vẫn là người đáng thương nhất. Họ lên đường vì bắt buộc hay tự nguyện thì đều có một điểm chung là những người xông pha nơi nguy hiểm, cái chết luôn cận kề với họ. Dẫu người nào ngả xuống cũng là niềm đau vô hạn: Mái đầu bạc tiễn mái đầu xanh, vành khăn trắng quấn lên đầu người thiếu phụ, đứa con chào đời chưa kịp thấy mặt cha. Tôi không nghĩ nỗi đau mà người thân của những người lính cộng sản phải gánh chịu lại cao hơn nỗi đau mà những người thân của những người lính ở bên kia. Nhưng thói đời vẫn vậy: “Thắng làm vua thua làm giặc”

Nhưng thôi, sau ngần ấy năm, bài học đoàn kết vẫn là bài học mà những người trong cuộc như chúng ta hôm nay cần phải học. Tôi còn nhớ một câu nói của ai đó rằng: người lính nào ngã xuống cũng đáng được vinh danh, được trân trọng vì họ ngả xuống cho quê hương đất nước, bất kể họ ở phía bên nào.

Xin hãy bỏ qua hận thù, bỏ qua lí tưởng mà chúng ta đang theo đuổi, bạn và tôi xin hãy thắp một nén nhang thơm cho những người đã ngã xuống ở phía bên kia chiến tuyến.

Dưới những rặng cây xanh, đây là nơi yên nghỉ của 16 ngàn tử sĩ chế độ Miền Nam trước 1975, chia làm 8 khu từ A đến I

No comments:

Post a Comment